Đối với hầu hết các loại cây sen đá đều không quá khó để nhân giống và giống số lượng lớn, bạn chỉ cần nắm rõ một vài điều cơ bản là có thể tiến hành nhân giống hàng loạt những cây sen đá yêu thích.
Trong bài viết này, tác giả sẽ chia sẻ toàn bộ những kiến thức cần thiết để nhân giống sen đá thành công với tỉ lệ cao nhất.
Chúng ta sẽ tìm hiểu cách các loài cây sen đá sinh sản như thế nào, cách phân biệt các nhóm cây sen đá có thể nhân giống được, yêu cầu về giá thể để nhân giống và cách chăm sóc cây con.
Các loài cây sen đá sinh sản như thế nào
Sen đá có thể sinh sản bằng rất nhiều cách khác nhau:
- Sinh sản bằng lá
- Sinh sản bằng chồi con
- Sinh sản từ việc giâm cành, ghép cành
- Sinh sản từ hành con
- Sinh sản bằng rễ
- Sinh sản bằng hạt giống
- Sinh sản bằng thân ngồng hoa
- Sinh sản bằng cách nuôi cấy mô thực vật
Sinh sản bằng lá
Hầu hết (không phải tất cả) các loài cây sen đá đều có khả năng sinh sản từ một chiếc lá.
Các loài sen đá như sedum hoa hồng sẽ rất dễ bị rụng lá nếu vô tình chạm nhẹ vào cây. Điều này có thể khiến cho nhiều người trồng sen đá bị khó chịu. Nhưng đặc tính dễ rụng lá là để loài sedum này có thể sinh sản nhanh hơn, tỉ lệ ra cây con mới từ lá là 99%, một đặc tính kỳ diệu.
Rất nhiều loài cây mọng nước đã tự “sáng tạo” ra những cách để duy trì nòi giống rất thông minh và độc đáo. Một số loài khi đối diện với sự sống còn bởi điều kiện sinh trưởng khắc nghiệt, chúng sẽ tự rụng lá để bảo toàn năng lượng cũng như dinh dưỡng và sau đó mọc lại lá mới khi gặp điều kiện sinh trưởng thuận lợi hơn. Một số cây sen đá khi gặp nhiệt độ cao trong ngày nắng nóng trên 40 độ, chúng sẽ rụng lá trước khi lá bị nắng đốt cháy và trước khi toàn thân bị chết.
Một số loài sen đá khi bị úng thân, chúng cũng sẽ tự rụng lá khỏi cây mẹ để cách ly nấm bệnh gây úng thối lây lan sang lá, để sau đó lá có thể tự mọc cây con để bào toàn giống loài. Trường hợp này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng khả năng sinh tồn và sinh sản của sen đá đã tiến hóa để đáp ứng với những thời điểm sống còn như vậy.
Sinh sản bằng chồi non
Rất nhiều loài sen đá phát triển nhiều chồi non để phát triển thành các cây mới, cách sinh sản này phổ biến ở các dòng sen đá liên đài, sen đá Phật bà và các loài cây xương rồng.
Một số chồi non sẽ mọc thân dài ra khỏi tán lá của thân cây mẹ và sau đó tự phát triển rễ hình thành cây mới và lặp lại chu trình. Các dòng sen đá liên đài thường mọc chồi non gần gốc mà không phát triển dài thân, từ đó tạo thành một cụm cây bó sát với nhau, nhưng về lâu dài các chồi con sẽ có xu hướng rời xa cây mẹ sau khi phát triển thêm nhiều tầng lá mới.
Sen đá sinh sản bằng chồi non có thể tách chồi dễ dàng nếu chúng đạt kích thước đủ lớn. Chồi non có thể tự tách ra bằng cách tự khô phần thân sát gốc cây mẹ. Khi chồi non phát triển đài lá quá gần cây mẹ sẽ gây một chút khó khăn khi chúng ta tách cây con.
Cắt cành, giâm cành sen đá
Một số loài sen đá có khả năng sinh sản bằng cách cắt phần trên có nhiều tầng lá non để tạo thành cây mới. Phần dưới còn lại cũng có thể mọc thêm nhiều chồi non.
Một số loại sen đá có thể mọc nhiều chồi con từ một chiếc lá bị gãy (ví dụ như Kalanchoe Tomentosa). Hoặc mọc chồi con ngay trên lá của cây mẹ của những cây sống đời.
Phương pháp cắt cành có thể áp dụng cho các loại sen đá phát triển thân nhánh như Sedum hay Graptopetalum. Những nhánh cây càng lớn và cứng cáp thì tỉ lệ ra rễ mới càng nhanh. Nhiều loại sen đá còn có cơ chế tự rụng theo mùa, ví dụ như cây sen đá cỏ trúc xanh (Crassula ericoides) sẽ tự rụng các vào mùa xuân dù chỉ cần chạm rất nhẹ, nhưng trông hầu hết thời gian trong năm, sen đá trúc xanh rât cứng cáp không dễ để tách nhánh.
Đó là một cách sinh tồn rất tuyệt vời, chúng có khả năng lăn tròn trên mặt đất theo gió để di chuyển xa hơn khỏi cây mẹ để phát tán thành cây mới.
Một cách sinh sản thông minh tự nhiên mà không cần đến bàn tay của con người. Những ngọn cây nhỏ bé này sẽ mọc rễ và len lỏi xuống dưới mặt đất tìm nước và dinh dưỡng.
Mọc cây mới từ hành con (Bulbil)
Hành con hay củ hành là một cây con nhỏ giống hệt cây mẹ, nó có thể mọc trên ngồng hoa hoặc trên các nhánh của cụm hoa. Chỉ có một số loài có khả năng mọc củ hành.
Hầu hết các chi sau đây đều có thể mọc củ hành từ ngồng hoa bao gồm chi Haworthia, chi Nha đam (Aloe), chi Agave, Gasteria, một số ít cây thuộc chi Echeveria hoặc Graptoveria. Củ hành thường có cấu trúc hơi khác so với cây con bình thường, nhưng chúng cũng đều là những “phiên bản” thu nhỏ của cây mẹ.
Củ hành sẽ phát triển kích thước đến khi ngồng hoa không chịu nổi sức nặng và cuối cùng củ hành sẽ được ngồng uốn cong đưa xuống mặt đất để nó có thể đâm rễ và phát triển thành cây mới.
Phát triển cây con từ rễ
Mặc dù hầu hết các loài sen đá đều không mọc cây con từ rễ, nhưng đây cũng được coi là một phương pháp nhân giống cây con, dù vậy cách mọc con từ bộ rễ chỉ phổ biến ở một số ít loài sen đá thuộc chi Haworthia hay Aloe.
Nhân giống sen đá bằng hạt
Các loài cây mọng nước tạo ra hạt giống từ quá trình thụ phấn hoa. Nếu hoa được thụ phấn, chúng sẽ tạo hạt từ túi hạt (quả). Túi hạt sau khi chín, tự khô và nó sẽ mở ra để hạt giống sẽ nhờ gió phát tán giúp.
Hạt giống của hầu hết các loại sen đá thường rất nhỏ, thậm chí nhỏ hơn cả những hạt cát mịn. Ở một số ít loài sen đá, chúng sẽ phát triển hạt có phần bổ sung là những sợi bám thành cụm ở điểm cuối hạt để giúp hạt giống được gió cuốn đi xa hơn.
Các loài cây mọng nước nói chung đều rất khó để nhân giống bằng hạt, tỉ lệ nảy mầm khá thấp và thời gian sinh nảy mầm lâu. Nó còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố môi trường ngoại cảnh.
Nhân giống sen đá từ ngồng hoa
Có rất ít loại sen đá có thể nhân giống bằng cách cắt ngồng hoa để giâm. Phương pháp nhân giống này không giống với củ hành. Một số loài sen đá thuộc chi Echeveria phát triển kích thước to lớn dạng thân hóa gỗ thì có thể nhân giống bằng cách này.
Nhân giống sen đá bằng cách ươm lá
Nhân giống sen đá bằng lá được áp dụng với đa số các loại sen đá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên phương pháp này không áp dụng được cho tất cả.
Trước khi bạn quyết định tách lá khỏi cây sen đá, nên xác định trước chúng tên gì thuộc chi nào, khi bạn biết tên rồi thì có thể tìm hiểu qua google bằng cách hỏi “Sen đá x có thể nhân giống được bằng lá không?”. Rất có thể bạn sẽ tìm kiếm được câu trả lời trên mạng.
Nếu bạn không tìm được tên của loại sen đá thì có thể tìm kiếm trên mạng dựa vào các đặc tính ngoại quan như “sen đá có lá màu xanh viền lá màu hồng” và chuyển qua phần hình ảnh trên google để tìm cây có hình ảnh tương tự. Nếu vẫn không tìm ra được thì cách nhanh nhất là tham gia các nhóm thảo luận về sen đá xương rồng ở trên Facebook để hỏi tên cây.
Cũng có thể bạn sẽ không bao giờ tìm được chính xác tên cây hoặc nhận được thông tin sai từ internet hay trong các nhóm về sen đá trên Facebook. Bởi nhiều lý do như, sen đá của bạn đã bị mất màu, hình dáng đã bị biến đổi sau một thời gian trồng, hay cây của bạn có form lá tương tự với các giống loài sen đá khác dẫn đến từ nhầm lẫn tên…
Nếu bạn vẫn không chắc chắn với các câu trả lời trên mạng thì hãy mạnh dạn thử nghiệm nhân giống sen đá bằng lá theo từng bước dưới đây.
1. Chọn lá sen đá có kích thước đủ lớn
Rất nhiều loại sen đá sẽ phát triển thành cây con mới từ những chiếc lá rất nhỏ, nhưng tốt nhất hãy chọn những chiếc lá to hơn, lá đủ cứng cáp. Đối với sen đá liên đài, nên chọn các lá ở tầng lá dưới cùng với điều kiện lá không quá già, còn đối với sen đá dạng cành, hãy chọn những chiếc lá to nhất khỏe nhất. Những chiếc lá càng to, thì tỉ lệ mọc cây con cũng to lớn hơn so với các lá nhỏ.
2. Hãy để cây sen đá khô ráo vài ngày
Việc này có thể không cần thiết, nhưng hầu hết lá của các loài sen đá sẽ dễ tách hơn khi cây bị cắt nước và không bị căng phồng trước khi tách lá. Khi lá quá căng mọng nước, chúng sẽ dễ bị gãy ngang khi tách. Phần lá bị gãy ngang sẽ không có tác dụng ươm giống nữa.
3. Chỉ ươm một ít lá thử nghiệm
Nếu bạn mới bắt đầu tập ươm lá, và vừa biết đến tên của chúng thì hãy nên ươm một ít lá để thử nghiệm khả năng nảy mầm của loại sen đá ấy, để đề phòng loại sen đá bạn ươm không có khả năng mọc mầm con từ lá.
4. Chỉ nên nhân giống vào mùa sen đá sinh trưởng
Sen đá hoạt động theo đồng hồ sinh học được lập trình sẵn trong mã gen của chúng, vì vậy chúng sẽ sinh trưởng theo mùa có khí hậu thuận lợi. Nhiều loài cây mọng nước phát triển nhanh chóng vào những tháng mát mẻ, không quá lạnh hoặc không quá nóng. Nếu trong thời gian ngủ đông hoặc ngủ hè, chúng sẽ rất khó nhân giống và bạn có thể đang lãng phí thời gian cũng như những chiếc lá cây sen đá yêu thích.
Đối với hầu hết các loại sen đá, thời gian phù hợp nhất để nhân giống bằng lá là vào đầu mùa xuân. Hoặc vào thời điểm giữa mùa thu đối với một số vùng không có mùa đông lạnh băng giá. Mùa hè cũng là thời điểm tốt để nhân giống nhưng sen đá có nguy cơ bị cháy lá bởi nhiệt độ cao trong ngày nắng gắt và chậu ươm lá không được che chắn giảm nắng.
5. Hãy bắt đầu tách lá từ dưới gốc lên
Những chiếc lá to nhất thường là già nhất trên cây sen đá và chúng thường nằm sát gốc cây nhất. Ở sen đá liên đài, lá ở vị trí sát gốc cũng dễ dàng tách ra khỏi cây nhất.
Nếu liên đài phát triển tầng lá quá sát với mặt giá thể, hãy nhấc bầu cây ra khỏi chậu để tiện tách lá hơn, tránh làm tổn thương đến những chiếc lá khác.
Nếu lá cần tách không bị vướng bởi lá khác ở hai bên hoặc không bị vướng bởi chồi non đang mọc bên cạnh thì bạn có thể dễ dàng tách lá bằng cách lay nhẹ qua lại sang hai bên. Sau đó, lá ở tầng trên kế tiếp có thể tách ra với cách tương tự. Ở một số loài sen đá có lá rất dễ dàng tách ra khỏi thân chỉ bằng cách chạm nhẹ. Nhưng cũng tùy thuộc vào loại sen đá cụ thể.
Nếu sen đá mọc dày có nhiều tầng lá sát vào nhau, thì bạn có thể phải chịu hi sinh một vài lá bị bẻ gãy để tạo khoảng trống cho việc tách lá ở tầng lá bên trên.
Lá khi được tách không được bị hỏng hay gãy, toàn bộ lá cần được tách ra nguyên vẹn. Nếu có 1 phần gốc lá còn nằm trên thân sau khi tách thì chiếc lá đó không còn tác dụng khi nhân giống.
Chỉ có một số ít loại sen đá có thể phát triển mọc mầm con từ những chiếc lá bị gãy ví dụ như sen nhung viền đen (Kalanchoe Tomentosa).
Sau khi tách lá, bạn hãy đặt chúng lên bề mặt khô ráo và thoáng gió. Tốt nhất hãy đặt dưới mái che có ánh sáng không trực tiếp.
Bạn có thể dùng khay nhựa hộp giấy hoặc tấm bìa để lót cho lá. Cố gắng đặt lá tách rời nhau để phòng tránh lây thối nhũn hỏng lá.
Điều quan trọng cần chú ý là không được phơi nắng trực tiếp quá lâu và lá cần được giữ khô. Hầu hất lá sẽ phát triển rễ kể cả đặt dưới mưa, nhưng một số loại sen đá có lá dễ bị thôi, vì vậy tốt nhất để đảm bảo tỉ lệ nảy mầm cao nhất hãy giữ chúng luôn khô ráo.
Cây con sẽ bắt đầu phát triển từ lá trong vòng một tháng, tùy thuộc vào loại sen đá và mùa trong năm. Một số lá sẽ ra rễ trước, một số mọc mầm con rồi mới mọc rễ, một số khác sẽ ra rễ và mầm con cùng một lúc.
6. Trồng lá có mầm con vào chậu ươm
Khi mầm con trên lá đã mọc được một vài lá non và bộ rễ đã phát triển kích thước nhất định. Đây là thời điểm thích hợp để đem trồng vào giá thể mới. Giá thể dành cho cây mầm có thể có nhiều thành phần hữu cơ hơn giá thể dành cho sen đá thông thường. Hoặc bạn có thể trộn thêm vụn xơ dừa đã qua xử lý để trộn vào giá thể soil mix thông thường để tăng việc giữ nước lâu hơn, hỗ trợ mầm con hút nước và dinh dưỡng từ giá thể thuận lợi.
Mầm có có đủ rể có thể trồng trực tiếp vào chậu lớn hoặc khay ươm, một số loại sen đá có khả năng chống chịu tốt thì bạn có thể đưa trồng thẳng ngoài đất vườn.
Nếu cây con đủ rễ, hãy tạo một lỗ nhỏ trên giá thể và nhẹ nhàng đặt lá có mầm vào vị trí. Đổ thêm giá thể vào nếu thấy cần thiết. Nếu lá chỉ có mầm con nhưng chưa có rễ, bạn cũng có thể đặt lá mầm con lên mặt giá thể. Không nên dùi lá vào sâu dưới giá thể để tránh lá bị thôi, chỉ cần đặt trên mặt phẳng, rễ sẽ tự mọc chui xuống.
7. Đem cây con ra nắng một cách từ từ
Cây sen đá còn non sẽ rất mỏng manh và nhỏ bé, chúng có thể bị mặt trời thiêu đốt nếu chịu nắng trực tiếp trong những ngày nắng nóng. Cách tốt nhất là đưa chúng từ từ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từng chút một
Nắng buổi sáng thường dịu nhẹ, bạn có thể đặt chậu cây con có nắng sớm nhưng có bóng râm vào buổi trưa và chiều. Không nên phơi những cây con ở nhiệt độ trên 30 độ.
Sau khoảng một tuần, đặt chậu cây con ở nơi chúng có thể nhận được ít nhất một giờ nắng buổi chiều và tăng cường độ nắng cho đến khi chúng có thể chịu được full nắng cả ngày.
8. Nước tưới
Sau khi đặt lá vào khay chậu thì chúng ta có thể bắt đầu tưới nước. Tưới nước với tần suất thường xuyên, chỉ cần thấy bề mặt giá thể hơi khô, chúng ta có thể tưới lại. Lá mẹ sau khi được dùng hết dinh dinh để nuôi mầm, nó sẽ bắt đầu héo và co lại. Không nên cố tách lá khô đấy vì có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cây con đang dính vào chiếc lá.
Nhân giống sen đá bằng cắt cành và chồi con
Chồi con của một số loài sen đá (hay còn gọi là mầm con) là những bản sao thu nhỏ của cây mẹ và thường gắn liền tại gốc gây mẹ.
Chồi con hoặc một nhánh con trên cành sen đá có thể được cắt ra và dễ dàng trồng sang chậu mới.
1. Chỉ nên nhân giống chồi con vào mùa mát mẻ
Đừng cố gắng cắt chồi con vào mùa chúng không sinh trưởng (đối với những loại sen đá ngủ hè hoặc ngủ đông). Rất nhiều loại sen đá có thể nhân giống vào mùa xuân. Mùa xuân có thời tiết thuận lợi, vào mùa hè có thể sẽ không phù hợp để nhân giống các loại sen đá như Aeonium hay các loại sen đá dạng lá mập mọng nước như sen đá sỏi cánh tròn.
2. Hãy kiên nhẫn chờ tới khi chồi con đủ lớn
Khi chồi con đủ lớn để phát triển thành một cây mới hoàn toàn, đây là thời điểm thích hợp để cắt chúng khỏi cây mẹ.
Chồi cây con càng lớn, tỷ lệ nhân giống thành công càng cao. Chồi cây con có thể dễ bị tổn thương bởi nấm thối nhũn và ánh nắng mặt trời hơn cây lớn.
Một lợi ích khi kiên nhẫn chờ chồi con đủ lớn là chúng sẽ phát triển bộ rễ riêng trong khi gốc chồi vẫn bám vào cây mẹ. Điều này sẽ giúp việc nhân giống dễ dàng hơn. Đẻ giúp cây mẹ phát triển lớn nhanh hơn, hãy trồng cây vào chậu lớn để cây mẹ có nhiều không gian sinh trưởng phát triển bộ rễ và cho nhiều chồi con.
3. Để gốc chồi con khô vết thương
After cutting of an offset or a branch always leave the fresh cutting to dry its wound. This is in order to prevent disease and fungus entering the plant. I usually leave the cuttings alone for a day or two.
Sau khi cắt chồi con khỏi cây mẹ, hãy để chồi con tự lành vết thương để phòng tránh nấm bệnh gây hại tấn công. Thông thường chồi con sẽ được để tự khô ở nơi mát mẻ khô ráo trong vài ngày. Không nên đặt chồi con đã cắt phơi dưới nắng gắt, chúng có thể bị cháy nắng vì không có được sự che chở của cây mẹ.
4. Trồng chồi con vào giá thể
Khi chồi con đã khô vết cắt, chúng ta có thể trồng cây con vào chậu mới. Trồng bằng giá thể thông thường hay giá thể cho cây con đều phù hợp. Không nhất thiết phải trồng vào chậu chỉ có các loại đá, đất kích rễ như Akadama, bởi bạn sẽ mất công trồng lại vào giá thể mới sau khi cây con ra nhiều rễ, hơn nữa giá thể chỉ toàn đá sẽ không có chất dinh dưỡng để cây con phát triển.
Cây con có thể được trồng trong chậu nhựa, khay lớn, chậu đất nung… Hãy đặt chậu cây ở chỗ mát và làm quen với ánh nắng một cách từ từ sau 3 tuần đến 1 tháng có thể cho ra full nắng cả ngày.
5. Thay chậu lớn hơn cho cây con
Cây được cắt từ chồi con sẽ phát triển nhanh và rễ mọc kín bầu đất trong chậu nếu giá thể đạt chất lượng. Vì vậy hãy thay sang chậu có kích thước lớn hơn để cây không bị kìm hãm khi sinh trưởng.
Nhân giống sen đá bằng hạt
Nhân giống sen đá bằng hạt là phương pháp rất khó nhưng đổi lại khi đạt được kết quả thành công sẽ mang lại cảm giác rất tuyệt vời. Ngắm từng hạt mầm ti li lớn lên trong một khoảng thời gian dài là một dự án thú vị. Hạt giống cũng rẻ hơn mua cây vỉ cây bầu, và có thể chọn mua các giống hiếm hoặc tự lai tạo giống chéo giữa các loài sen đá mà bạn yêu thích.
Một số loại sen đá nảy mầm từ hạt tốt hơn các loại khác. Các loại sen đá dễ nhân giống bằng hạt như Lithops, Euphorbia, một số loại xương rồng và nhiều giống sen đá hiếm khác.
Nếu bạn muốn trải nghiệm nhân giống sen đá từ hạt, dưới đây là các bước mà bạn có thể thực hiện
1. Tìm một nhà cung cấp hạt giống đủ uy tín
Hiện nay, có rất nhiều cửa hàng, nhà vườn, cơ sở có bán hạt giống sen đá qua mạng. Tuy nhiên, hãy cẩn thận tìm hiểu kỹ nơi bán, họ có đủ uy tín không, người mua trước đó đánh giá thế nào về họ. Hình ảnh hạt giống có đúng với mô tả? Có rất nhiều nơi bán hạt giống giả hoặc hạt không thể nảy mầm.
Đối với các shop bán hạt giống chuyên nghiệp, họ sẽ công khai gần như mọi thứ, nếu thích bạn có thể mua luôn cả khay hạt giống đã nảy mầm sẵn được ươm trong giá thể chuyên dụng.
2. Thời điểm gieo hạt
Khi bạn đã có nguồn hạt giống, hãy gieo hạt vào mùa mát mẻ. Thời điểm tốt nhất để gieo hạt giống là đầu mùa xuân hoặc giữa mùa thu.
3. Chuẩn bị khay ươm hạt có chiều cao thấp
Giá thể ươm hạt giống phải được tiệt trùng và có tỉ lệ đá khoáng/thành phần hữu cơ phù hợp, cũng như kích thước đá không được quá lớn gây ảnh hưởng quá trình nảy mầm của hạt. Khay ươm hạt có thể là khay ươm rau thông thường cao khoảng 10cm có lỗ thoát nước. Đổ giá thể ươm vào khay dày khoảng 5-7 cm và ém nhẹ cho giá thể phân tán đều trong khay.
4. Gieo hạt vào khay
Rắc hạt giống đều lên hỗn hợp giá thể ươm và phủ lại một lớp bột giá thể mịn rất mỏng lên trên số hạt vừa gieo.
5. Tưới nước và bọc kín khay bằng màng ni lông
Hạt giống khi gieo rất cần được đặt trong môi trường ẩm liên tục. Hãy tưới nước nhẹ cho toàn bộ khay bằng bình xịt ẩm. Khay ươm có nắp nhựa trong suốt hoặc được bọc bằng màng ni lông trong suốt để vừa đủ ánh sáng nhẹ chiếu vào cũng như giữ độ ẩm phù hợp cho hạt nảy mầm.
Kiểm tra hằng ngày độ ẩm của khay ươm, dùng bình xịt nhẹ để làm ướt bề mặt giá thể nếu thấy giá thể khô
Nếu giá thể ươm hạt giữ quá nhiều nước cũng có thể làm hạt giống bị hỏng. Hãy cẩn thận kiểm tra nên xịt nước quá nhiều.
6. Đặt khay ươm ở nơi có ánh sáng
Khay ươm được che bằng nắp hay ni lông trong suốt nhưng cũng cần được đưa ra ánh sáng trong bóng mát. Tránh hoàn toàn ánh nắng trực tiếp bởi vì tia UV có thể thiêu đốt làm hỏng hạt giống.
Đặt khay dưới mái che không có nắng, trong nhà kính hoặc dưới ánh đèn quang hợp là những vị trí lý tưởng.
7. Gỡ nắp hoặc màng bọc khi phát hiện hạt nảy mầm
Khi hạt có dấu hiệu nảy mầm, những màu xanh li ti trong khay, chúng ta có thể gỡ nắp khay và những hạt nảy mầm này vẫn còn được duy trì độ ẩm.
Cây con có thể phải mất một vài tháng hoặc lâu hơn để đạt được kích thước vừa đủ để tách ra khay ươm rộng rãi hơn.
Những cách nhân giống sen đá khác
Có một vài cách khác để có thể nhân giống sen đá, hoặc một vài cách trung gian để nhân giống. Dưới đây là một vài ví dụ.
Hỗn hợp bầu giá thể
Giá thể ươm mầm dành cho các loại rau thông thường cũng có thể được dùng để ươm hạt, ươm lá, giâm cành. Với điều kiện tăng thêm các loại đá khoáng để tạo thành hỗn hợp đất chất lượng tốt.
Nhân giống sen đá bằng nước
Nhân giống bằng nước đã được nhiều kênh trồng sen đá trên youtube giới thiệu. Đây có thể là một bước đệm để kích hoạt bộ rễ cho lá, cành và chồi non. Nhưng cách làm này dường như tạo sự phức tạp không cần thiết, đồng thời cũng có nhiều rủi ro vì độ ẩm quá cao có thể gây hỏng toàn bộ cây ươm.
Nhân giống bằng cách treo lá trên không khí
Cách làm này có thể không áp dụng được cho nhiều loại lá sen đá hay cây con. Một số sẽ hỏng nhanh chóng nếu không được tiếp độ ẩm liên tục để tạo bộ rễ mới.
Có một cách khác tương tự là để lá, cành ươm, chồi con lên bề mặt khô ráo để chờ ra rễ. Hoặc đặt cây con lên chậu có kích thước nhỏ hơn để tạo khoảng trống trong bóng tối kích hoạt việc chồi con ra rễ.
Nhân giống sen đá bằng cách cấy ghép mô thực vật
Cách nhân giống này đòi hỏi môi trường vô trùng tuyệt đối, hơn nữa để tạo ra một cây con nhân tạo từ việc cấy ghép mô tốn khá nhiều chi phí không cần thiết.
Các loại sen đá mới hiếm có hiện nay cũng được lai tạo từ việc thụ phấn chéo giữa các loại sen đá khác nhau để tạo ra cây mới có những đặc tính của cây cha mẹ. Vì vậy việc cấy ghép mô chỉ còn phù hợp ở thời điểm sen đá chưa phổ biến.
Trên đây là bài viết về những cách nhân giống sen đá mà bạn có thể tham khảo. Chúc bạn sẽ ươm được những cây sen đá khỏe mạnh.